Trải nghiệm đi khám ở bệnh viện khi nghi ngờ bị nhiễm virus corona của thanh niên Việt ở Nhật

Những chia sẻ thực tế từ chàng trai này sẽ phần nào giúp cho cộng đồng người Việt hiểu rõ hơn về tình hình dịch Covid-19 hiện nay, nếu chẳng may bản thân mình bị lây nhiễm virus.

Tình hình dịch Covid-19 hiện ở Nhật ngày càng lan rộng khiến cho người Việt ở đây vô cùng lo lắng. Một bài chia sẻ ngắn về kinh nghiệm đi khám bệnh (nghi ngờ bị nhiễm virus SARS-Cov-2) của một bạn có tên là Hoàng Văn Thắng, hiện đang sinh sống ở Kawasaki có thể sẽ giúp ích cho nhiều người.

Theo như bạn Thắng chia sẻ, bản thân bị sốt từ ngày 1-4/4 thì hết, nhưng sau đó vẫn còn bị ho khá nhiều. Cảm thấy lo lắng và không yên tâm nên Thắng đã gọi điện đến Trung tâm tư vấn thành phố nơi mình đang sinh sống và nói rằng đang bị sốt cao kèm theo ho nhiều.

Thắng cũng chia sẻ cách gọi đến Trung tâm tư vấn nơi mình ở là vào Google, gõ 帰国者・接触者相談センター + tên thành phố mình đang sống là sẽ tìm ra số điện thoại. Nếu bạn nào đang sống ở Kawasaki thì hãy gọi vào số 044-201-3189.

Khi gọi vào số trên, họ sẽ hỏi tên, tuổi, số điện thoại liên lạc, địa chỉ, đang làm công việc gì, ở 1 mình hay cùng bạn bè, bạn bè có ốm sốt gì không? Sau đó, họ sẽ tiếp tục hỏi về các triệu chứng như sốt, khó thở, ngực đau, tiêu chảy... Mọi người cứ thành thực khai thật và đầy đủ là được. Tiếp theo họ nói là sẽ liên lạc lại và đến chiều thì có nhân viên Trung tâm Y tế thành phố gọi, hướng dẫn đến bệnh viện nơi có thể xét nghiệm virus corona.

Thắng chia sẻ: "Buồn cười cái là họ cho SĐT của bệnh viện và tên y tá phụ trách. Sau đó khi đến nơi, mình sẽ không được vào bệnh viện mà phải đứng ở ngoài gọi điện và tìm gặp người y tá kia để báo là mình đã đến. Yêu cầu là khi đến không được sử dụng phương tiện công cộng, mang theo thẻ bảo hiểm và phải đến một mình".

Khi đến bệnh viện sẽ có 2 nhân viên mặc đồ cách ly và đợi sẵn để dẫn vào phòng. Họ sẽ tiến hành đo huyết áp và lấy máu. Trong thời gian này họ cũng sẽ hỏi thêm một số vấn đề như nhiệt độ cao nhất khi đo được gần đây, có bị tiêu chảy không, đã đến bệnh viện nào chưa, uống thuốc gì, trong thời gian dịch bệnh có đi nước ngoài không? Ở nơi đang ở và nơi làm việc có ai bị sốt không? Tiếp theo đó, y tá sẽ dẫn đi chụp X-quang, sau đó về phòng và ngồi đợi. Một lúc sau sẽ tiếp tục đi chụp cắt lớp (chụp CT).

Tất cả các nhân viên y tế đều mặc đồ cách ly và liên lạc với nhau bằng bộ đàm. Khi di chuyển từ phòng đợi ra khu chụp X-quang và chụp CT, đều có 3 bác bảo vệ đi trước 1 đoạn dài để ngăn không cho ai đến gần.

Sau khi chụp CT xong, quay về phòng chờ và bác sĩ đến lấy dịch mũi. Thắng chia sẻ: "Phải nói là khá thốn vì bạn sẽ phải ngửa đầu lên để bác sĩ đút một cái que khá dài xuyên qua mũi vào bên trong. Thật sự mình không muốn trải qua cảm giác nào như vậy lần nào nữa".

Ảnh minh họa.

Cuối cùng, bác sĩ cho xem hình ảnh phổi trên máy tính, chỉ cho mình những vùng trắng ở phổi và kết luận mình bị viêm phổi. Tạm thời vẫn chưa thể biết chính xác có phải virus SARS-Cov-2 hay chỉ là do virus cảm cúm gây ra.

Tuy nhiên, Thắng nói rằng: "Nhưng đến đây thì mình cũng chắc 70-80% là dính đòn rồi. Chỉ đợi đến khi có kết quả thôi".

Cuối cùng, nhân viên y tế sẽ cho thuốc uống và nói rằng chi phí xét nghiệm nếu bị corona thì sẽ là miễn phí. Nhưng nếu không bị thì đến lần chụp X-quang tiếp theo sẽ phải trả toàn bộ chi phí.

Thắng chia sẻ: "Đây là kinh nghiệm của mình khi đi xét nghiệm Corona. Nếu bạn nào nghi ngờ mình bị nhiễm hãy mạnh dạn để được xét nghiệm sớm nhất để chữa trị kịp thời.
Đừng ngại tiếng kém và cũng đừng "
はい" bừa khi không hiểu gì. Bản thân mình các bác sĩ cũng phải vật lộn khá vất vả để giải thích về những từ ngữ mình không hiểu. À, mình thậm chí còn không phân biệt nổi chữ a và ma trong katakana".

Hãy Like & Share chúng tôi
trên Facebook